Chọn được một thực đơn tiệc cưới vừa ngon, vừa phong phú để làm hài lòng khách mời là điều bất kỳ ai cũng mong muốn. Một thực đơn ngon, ngoài tay nghề của các đầu bếp của nhà hàng thì nó còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chọn món và phối món trong thực đơn của bạn.
1. Nguyên tắc chọn thực đơn tiệc cưới ngon và phong phú:
Một thật đơn tiệc cưới hoàn hảo phải có hội tụ đủ 2 yếu tố là ngon và phong phú. Thực đơn phong phú nghĩa là có nhiều món khác nhau để khách mời có thể thưởng thức. Ngoài ra, để khách cảm thấy ngon miệng, bạn nên chọn những món ăn có cách chế biến, nấu nướng khác nhau. Có như thế, khách mời sẽ không có cảm giác bị ngán, bị đầy bụng bởi những món trùng nhau.
Kết cấu của một thực đơn tiệc cưới phong phú phải bao gồm đầy đủ các món sau đây:
- 1 Món khai vị
- 1 Món súp
- 2 đến 3 Món chính
- 1 Món chính cuối cùng
- 1 Món tráng miệng
Thứ tự phục vụ các món này phải theo danh sách từ trên xuống dưới, nghĩa là khởi đầu bằng món khai vị, rồi đến món súp. Tiếp theo là các món chính và món chính cuối cùng và kết thúc bằng món tráng miệng.
Món khai vị thì thường được các đầu bếp chia thành 2 đến 4 món nhỏ. Còn các món chính thì bạn nên chọn các kiểu chế biến khác nhau. Gợi ý cho việc chọn các món chính trong thực đơn tiệc cưới có thể chọn 1 trong 4 gợi ý sau:
- 1 món quay hoặc nướng. Ví dụ như là heo sữa quay, gà quay bánh bao …
- 1 món hấp. Ví dụ như cá chẻm hấp hành gừng, tôm hấp bia …
- 1 món sốt. Ví dụ như hải sâm sốt dầu hào, gân nai đông cô…
- 1 món chiên hoặc xào. Ví dụ: mực xào sa tế, tôm lăn bột chiên, bò xào tiêu đen…
Với cách chọn thực đơn tiệc cưới có nhiều món và nhiều kiểu chế biến khác nhau, chắc chắn sẽ đem đến cho khách hàng một bữa tiệc cưới vừa ngon, vừa phong phú mà bất kỳ người nào cũng phải khen.
2. Món khai vị trong tiệc cưới:
Món khai vị là món ăn đầu tiên được đem ra cho khách mời thưởng thức trong bữa tiệc. Nó được xem như là món ăn khai tiệc. Món khai vị được các đầu bếp trình bày khá công phu và bắt mắt. Nguyên liệu chính tạo nên món khai vị thường là các nguyên liệu có vị chua hoặc cay để khơi dậy các gai vị giác trên đầu lưỡi của thực khách.
Món khai vị được phục vụ mới mục đích chính là thưởng thức chứ không phải ăn no. Chính vì thế, mỗi món khai vị đều có định lượng rất ít, nhưng có từ 2 đến 4 món khác nhau. Khách mời mỗi người đều có thể chỉ thưởng thức được mỗi món 1 ít mà thôi. Một số món khai vị tiêu biểu:
- Khai vị 2 món: Gỏi tiến vua tôm thịt/ Gà xào hạt điều
- Khai vị 3 món: Gỏi sứa gà xé/ Bò cuộn nấm kim châm/ Chả giò hoàng kim.
3. Món Súp:
Món súp theo đúng tên tiếng anh gọi là SOUP. Chữ SOUP này nghĩa canh. Nhưng người Việt chúng ta lại có thói quen gọi món Súp là chỉ món ăn được nấu bằng những loại hải sản như bóng cá, cua, sò điệp, bào ngư, óc heo … nấu kết hợp với các nguyên liệu như bắp, tuyết nhỉ, tóc tiên, măng tây, nấm… Loại súp này có dạng sền sệt chứ không lỏng như canh mà chúng ta thường hay ăn ở nhà. Mặc dù mỗi loại nguyên vật liệu cho ra một loại súp khác nhau nhưng khi nấu ra món súp lúc nào cũng có màu trắng đục và dạng sệt.
Đến món súp, nhà hàng thường đổi chén cho thực khách để có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị của món này. Khi phục vụ, người ta thường mang ra một thố to và bày xung quanh đó những chén nhỏ. Nhân viên phục vụ sẽ múc từng vá súp từ thố to ra và chia đều cho từng chén nhỏ cho đến khi hết thố súp. Món súp được ăn chung với lại tiêu trắng và dấm.
Các loại súp phổ biến:
- Súp tuyết nhĩ thịt cua gà xé
- Súp bắp sò điệp
- Súp tứ vị nấm đông cô
- Súp hải sản ngọc bích….
4. Các món chính trong bữa tiệc:
Sau khi chọn xong món khai vị cùng với món súp , chúng ta sẽ bước vào những món chính trong thực đơn tiệc cưới.
Một thực đơn tiệc cưới phong phú thì thường bao gồm khoảng từ 6 đến 7 món tất cả. Trong đó, số lượng món chính trong bữa tiệc chiếm một nữa. Một thực đơn ngon và phong phú phải có từ 2 đến 3 món chính. Các món chính này rất đa dạng về kiểu chế biến từ quay, nướng, chiên, xào cho đến chưng, hấp hoặc sốt, rang. Nguyên liệu thực hiện món chính cũng rất phong phú từ hải sản, heo, bò, dê cho đến gà vịt, ngỗng, bồ câu.
4.1 Cách phân chia món chính của các thực đơn tiệc cưới của nhà hàng
Do số lượng món chính rất đa dạng và phong phú nên các nhà hàng tiệc cưới thường phân chia món chính theo nguyên liệu chế biến để người đặt tiệc cưới có thể dễ dàng chọn lựa món. Những món ăn được chế biến từ thịt gà, thịt bò, thịt heo, thịt vịt, cá, tôm, cua đều được chia ra thành từng mục riêng và có giá cả từng món cụ thể. Đó là thực đơn tiệc cưới chọn món riêng lẻ.
4.2 Bí quyết chọn món chính vừa ngon vừa phong phú cho thực đơn tiệc cưới
Bí quyết để giúp bạn chọn được một thực đơn tiệc cưới vừa ngon vừa phong phú chính là hãy chọn những món chính đừng trùng lập nhau về cách chế biến cũng như là nguyên liệu chế biến.
4.2.1 Nguyên tắc không chọn trùng lập món chính về cách chế biến
Theo nguyên tắc này thì nếu bạn đã chọn món chính có một món nướng hay món quay rồi thì các món còn lại không được chọn kiểu chế biến là nướng hay quay nữa. Nguyên tắc này cũng áp dụng tương tự trên các kiểu chế biến khác của món chính.
Ví dụ: Nếu bạn đã chọn món heo sữa quay rồi thì bạn không nên chọn thêm món gà quay bánh bao hoặc là món vịt nướng chao đỏ mà chuyển sang cách chế biến khác như sốt, chiên, xào, hấp …
Tương tự như vậy, nếu bạn đã chọn món cá mú hấp hongkong rồi thì bạn không nên chọn món gà hấp muối hoặc tôm hấp dừa.
4.2.2 Nguyên tắc không chọn trùng lập nguyên liệu chế biến món chính
Theo nguyên tắc này thì bạn không nên chọn những món có cùng 1 nguyên liệu chế biến để đưa vào cùng 1 thực đơn tiệc cưới. Nếu bạn đã chọn một món gà thì những món sau nên thay bằng món heo, món hải sản, chứ đừng tiếp tục chọn món gà. Trong một thực đơn tiệc cưới mà món chính có 2 món trùng lập về nguyên liệu chế biến thì đó chính là một thực đơn tệ nhạt và không phong phú.
Ví dụ: trong món canh tiềm bạn đã chọn món gà tiềm ngũ quả thì trong món chính bạn nên tránh những món được chế biến từ gà như gà quay sôi chiên, gà hấp hành gừng, gà hấp cải bẹ xanh … Còn giả như bạn đã chọn món tôm lăn kim sa rồi thì không nên chọn những món tôm khác như: tôm hấp bia, tôm xào sa tế, tôm sốt XO …thay vào đó, chúng ta chọn những món nấu từ heo, vịt, mực hoặc hải sâm.
Nếu các món chính trong thực đơn tiệc cưới bạn tuân thủ được 2 quay tắc này thì chắc chắn món ăn của bạn được mọi người cảm thấy rất phong phú, mà lại rất ngon vì nó không trùng lập với nhau.
5. Món chính cuối cùng trong thực đơn tiệc cưới
5.1 Món chính cuối cùng trong thực đơn tiệc cưới là gì?
Một thật đơn tiệc cưới hoàn hảo sẽ bắt đầu bằng món khai vị và kết thúc bằng món tráng miệng. Món chính cuối cùng chính là món ăn được phục vụ trước món tráng miệng. Mục đích của món này chính là giúp thực khách ăn no vì thế danh sách món chính cuối cùng so với món chính có sự khác biệt hoàn toàn.
5.2 Món chính cuối cùng bao gồm những món gì?
Món chính cuối cùng thường bao gồm 3 nhóm món ăn sau đây:
– Món cơm chiên
– Món mì, hủ tíu, bún xào.
– Món lẩu.
5.3 Nguyên tắc đặt và chọn món chính cuối cùng cho thực đơn tiệc cưới.
Khi chọn món chính cuối cùng cho thực đơn tiệc cưới của mình, bạn nên theo quy tắc là chỉ được phép chọn 1 món duy nhất trong 3 nhóm món chính đã kể trên. Điều này có nghĩa là bạn đã chọn cơm chiên thì đừng chọn thêm mì xào hoặc lẩu. Đã chọn lẩu thì không chọn cơm chiên hay mì xào, đã chọn mì xào thì không chọn lẩu và cơm chiên.
Tại sao lại như vậy? Lý do rất đơn giản, đây đều là những món ăn no, mục đích của những món này là giúp những khách mời nào chưa no trong các món chính có thể lấp đầy bụng bằng những món này. Nếu bạn chọn nhiều hơn 2 món cho món chính cuối cùng thì chắc chắn khách mời sẽ ăn không hết vì quá nhiều và quá ngán. Vì vậy chỉ nên chọn đúng 1 món chính cuối cùng dành cho thực đơn tiệc cưới mà thôi.
5.4 Những món chính cuối cùng phổ biến trong thực đơn tiệc cưới
Đối với món cơm chiên, phổ biến nhất vẫn là các món cơm chiên Dương Châu, cơm đùm lá sen, cơm chiên cá mặn, cơm chiên hải sản, cơm nếp bát bửu…
6. Món tráng miệng trong tiệc cưới
Món tráng miệng là món ăn được phục vụ cuối cùng trong thực đơn tiệc cưới. Món này cũng được xem là món kết thúc tiệc hay là món chào tạm biệt của cô dâu, chú rể đối với các vị khách mời của mình.
Món tráng miệng thường là những món ăn nhẹ, có vị ngọt hoặc là trái cây để cân bằng vị giác cho những vị khách mời sau khi đã thưởng thức nhiều món mặn.
6.1 Món tráng miệng trong thực đơn tiệc cưới gồm những món gì?
Bạn có thể một trong 4 nhóm món ăn tráng miệng sau đây để làm món tráng miệng cho thực đơn tiệc cưới của bạn.
6.1.1 Món chè tráng miệng
Chè là món tráng miệng được rất nhiều người chọn. Vị ngọt và thanh của chè giúp bạn cân bằng lại vị giác sau khi thưởng thức nhiều món mặn trong tiệc cưới. Bạn có thể chọn các loại chè quen thuộc như chè tuyết nhĩ bạch quả, chè hạt sen… cho đến những loại chè cao cấp như Chè Hồng Kong, chè dưa tây.
6.1.2 Món bánh tráng miệng
Các nhà hàng phong cách Việt và Hoa thường hay sử dụng món bánh flan hoặc bánh rau câu làm món tráng miệng. Còn một số nhà hàng theo phong cách tây thì sử dụng thêm các loại bánh lạ như bánh Mousse trái cây, bánh Tiramisu, hoặc các loại bánh phô mai, bánh hạnh nhân, bánh Chocolate.
6.1.3 Món trái cây tráng miệng
Có thể nói, trái cây là món tráng miệng có giá thành rẻ nhất so với tráng miệng bằng món chè hoặc món bánh. Đĩa trái cây thập cẩm được nhà hàng trình bày cực kỳ đẹp mắt. Tùy thuộc vào mùa trái cây, loại trái cây nào đang trong mùa, giá rẻ sẽ được bên nhà hàng chọn mua và đưa vào đĩa trái cây thập cẩm tráng miệng. Chính vì thế, khi bạn chọn món tráng miệng là trái cây thập cẩm thì luôn có mức giá rẻ nhất trong tất cả các món tráng miệng.
Ngoài trái cây thập cẩm, bạn có thể yêu cầu nhà hàng phục vụ một loại trái cây mà mình chỉ định làm món tráng miệng. Bạn có thể chọn loại trái cây ưa thích như nho mỹ, lê, táo … cho đến những loài trái cây lạ như Kiwi, Việt Quất, Cherry… Đương nhiên, nếu bạn chọn theo kiểu này thì nhà hàng sẽ tính giá món tráng miệng cao hơn.