1. Lễ phản bái là gì?
Lễ phản bái là một nghi thức độc đáo trong phong tục đám cưới của người dân miền Tây. Trong nghi thức này, sau khi cưới ba ngày đôi vợ chồng trẻ sẽ cùng gia đình nhà trai mang theo cặp vịt trống lớn cùng rượu về thăm bố mẹ đàn gái. Đây là dịp để chú rể tạ ơn bố mẹ vợ đã gả con gái cho mình, cũng là dịp để hai bên sui gia gặp gỡ lại nhau sau những ngày tất bật lo cho hôn sự cho đôi uyên ương.
2.Nghi thức lễ phản bái:
Nghi thức lễ phản bái không có gì quá rườm rà. Ngoài những lễ vật không thể thiếu như mâm trầu và rượu đứng trong khay hộp để dâng lễ lên bàn thờ tổ tiên thì nhà trai sẽ chuẩn bị thêm cặp vịt trống lớn để mang sang nhà gái. Sau khi đôi uyên ương lạy bàn thờ, xá cha mẹ nhà gái, người ta sẽ làm thịt cặp vịt nấu cháo, mời thêm vài bà con lân cận để cùng chung vui.
3. Nguồn gốc lễ phản bái:
Từ ngày xa xưa khi quan niệm về chữ trinh tiết còn nhiều cực đoan thì trong đêm động phòng, mẹ chồng bằng nhiều hình thức sẽ bí mật giám sát gắt gao để biết người con dâu mới còn trinh tiết hay không. Và nếu chẳng may, con dâu không chứng minh được sự trinh trắng của mình thì lễ vật mang sang nhà gái là những lá trầu úa khô, hoặc con vịt rằn (vịt lông trắng xám xen lẫn) chứ không phải hai con vịt ta lông trắng phau. Hàm ý họ đã cưới phải cô dâu không còn trinh nguyên. Nhìn vào đó, cha mẹ nhà gái cũng đủ đoán biết thái độ của nhà trai, và tất nhiên là kéo theo nhiều nỗi bất hạnh dành cho phận gái làm dâu sau đó.